Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015


Võ Nguyên Giáp - "Không phải huyền thoại" mà là trí tuệ có thật của một con người.



Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là trận đánh lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

Ảnh bìa cuốn sách “Không phải huyền thoại”
Trong những ngày này, cả nước đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chào mừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2014), là cán bộ phụ trách công tác Thư viện huyện, tôi muốn mình cũng phải có một việc làm gì đó cụ thể để tích cực hưởng ứng sự kiện đặc biệt quan trong này. Bắt đầu với việc vào kho sách tìm những cuốn sách hay về chủ đề Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để viết thư mục chuyên đề giới thiệu sách. Có rất nhiều cuốn sách hay, nhiều tư liệu phong phú về chủ đề này, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng cuốn sách "Không phải huyền thoại" của Hữu Mai - Nhà văn quân đội với hơn 60 đầu sách đã được in, Ông cũng là người thể hiện rất thành công 5 cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: “Từ nhân dân mà ra” (1966), “Những năm tháng không thể nào quên” (1970), “Chiến đấu trong vòng vây”(1995), “Đường tới Điện Biên Phủ “(1999), “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” (2000). Tuy nhiên, phải đến tác phẩm “Không phải huyền thoại”, chân dung của Đại tướng mới hiện lên như một nhân vật văn học trọn vẹn.
"Không phải huyền thoại" – cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm đã ra đời với tâm nguyện của nhà văn Hữu Mai: “Tôi không mong đưa ra những phát hiện mới về lịch sử chiến tranh Việt Nam hiện đại mà chỉ mong làm rõ thêm, bổ sung thêm, cụ thể hóa thêm thực tế cuộc chiến, may chăng có thể mang lại điều gì đó bổ ích đối với những vấn đề bạn đọc quan tâm”.
Đã có hàng núi tư liệu, sách, phim ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ai cũng biết điều đó và sẽ hỏi “Không phải huyền thoại” ra đời thế nào, có gì mới mẻ?... Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra hai vấn đề mà cho đến bây giờ người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu: Tại sao Quân đội Việt Nam và quân đội Pháp lại đưa nhau lên tận Tây Bắc để mở trận quyết chiến lịch sử? và “Tại sao người Việt đều giành chiến thắng trong lúc kẻ thù mạnh nhất?”. Từ đó, người đọc có thể tìm hiểu thêm về thiên tài quân sự của Đại tướng cùng với nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà Đại tướng vận dụng rất sáng tạo trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Toàn bộ nội dung cuốn sách trải dài trong 31 chương với những tên gọi rất ấn tượng như: Một phát thảo chân dung, Cứ đi rồi sẽ thành đường, Trùng độc chiến, Kéo pháo vào, Kéo pháo ra, Nhức nhối A1, Phép thử Him Lam... Có thể nói, đến với "Không phải huyền thoại" người đọc có thể tìm thấy những tư liệu đầy đủ nhất, mới nhất về so sánh binh lực hai bên, về tình hình cuộc chiến, về những gánh nặng và sức ép mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải mang trên vai khi nhận trọng trách làm Tổng tư lệnh.
Điều đặc sắc của cuốn sách là tác giả Hữu Mai đã đưa những huyền thoại như Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ lại gần với cuộc đời. Lời trích xã luận của một tờ báo tại ngay đầu cuốn sách cũng một lần nữa cho thấy sự cần thiết khắc họa chân dung một “nhân tướng” qua thể loại tiểu thuyết văn học: “Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có lẽ ngay cả những nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết, để kể lại trung thành những giá trị của ông…”
"Bình dị, bản lĩnh, sâu sắc" có thể chưa phải thật đầy đủ, nhưng đó là những cảm nhận tiêu biểu người đọc sẽ thấy qua hình tượng anh Văn (bí danh của Đại tướng) dưới ngòi bút Hữu Mai. Với sự mềm mại của văn học, sự chắt lọc của tình tiết, Hữu Mai đã dẫn dắt người đọc đi từ những ngày đầu Võ Nguyên Giáp được Bác trao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập những hội cứu quốc ở Cao Bằng cho đến cao trào chiến dịch Điện Biên Phủ và những tháng năm Đại tướng trở lại chiến trường xưa.
Cảm giác về sự chân thật rất rõ nét, như một cuốn phim trước mắt. Chân thật mà hấp dẫn. "Không phải huyền thoại" là vì Tướng Giáp là con người bằng xương bằng thịt: “Anh cán bộ có nước da mỏng như da con gái, đôi chân trần chưa có một vết chai, lội suối sâu giá buốt, trèo núi đá tai mèo nhọn sắc… Anh học tiếng Tày, tiếng Mán, tiếng Mông, dịch “Việt Minh ngũ tự kinh” thành tiếng địa phương để đồng bào vừa cán bông, giã gạo vừa hát. Những nơi anh tới, phong trào phát triển rất nhanh”. Và "Không phải huyền thoại" cũng là vì điều làm nên chiến công độc đáo bậc nhất trong lịch sử dân tộc là trí tuệ có thật của một con người.
Cuối cùng thì câu hỏi vì sao Việt Nam thắng trận Điện Biên Phủ đã có câu trả lời, nhưng điều khiến cho “Không phải huyền thoại” vượt ra khỏi khuôn khổ biên niên sử bình thường ở chỗ, cuốn sách đã lột tả được khía cạnh khắc nghiệt của chiến tranh. Khốc liệt ở chiến hào, quyết liệt ở trên những căn hầm sở chỉ huy, và không khoan nhượng ở bàn nghị sự quốc tế. "Không phải huyền thoại" không có nghĩa là bác bỏ những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới tôn vinh, mà nó có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện được giá trị nhân văn của một nhân vật huyền thoại, một con người rất thật, rất bình dị như bao con người khác nhưng đã làm nên những chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, đưa Tổ quốc ta lên đỉnh vinh quang chói lọi. “Không phải huyền thoại” - cuốn sách công phu và chân thực khiến người đọc tưởng như cảm thấy hơi thở của một lịch sử rất gần đây, những hình tượng sống động đã khắc họa rất chân thực một nhân vật kiệt xuất của thời đại Hồ Chí Minh - thời đại đã làm nên những chiến công oanh liệt của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tôi say sưa đọc cuốn sách này, trong lòng trổi dậy bao nhiêu cảm xúc, tôi cảm thấy tự hào về những gì cha ông ta đã làm nên trong Chiến dịch Điện Biên năm xưa, thấy kính yêu vô cùng hai vị tiền bối: "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp", và cả sự biết ơn to lớn đến những người đã bỏ mồ hôi xương máu làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

  Thanh Thảo 
Trích nguồn: nuithanh.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét