Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

THƯ MỤC CHUYÊN ĐỀ GIỚI THIỆU SÁCH CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2015)

Trải qua 85 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; đã giành được những thắng lợi to lớn trong việc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.



Thiết thực chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày Thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015). Thư viện huyện Núi Thành trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc tập thư mục chuyên đề "Đảng Cộng sản Việt Nam – Những mốc son lịch sử 1930 – 2015" giới thiệu những cuốn sách về Đảng Cộng Sản Việt Nam, về các sự kiện lịch sử Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu... được xuất bản trong thời gian gần đây.

Trước thềm năm mới, Thư viện Núi Thành kính chúc quý bạn đọc một năm mới an khang, thịnh vượng.

Rất mong nhận được sự góp ý xây dựng của các bạn. Xin chân thành cảm ơn./.



NỘI DUNG
KÝ HIỆU XẾP GIÁ

1. Đảng Cộng sản Việt Nam – 80 năm xây dựng và phát triển.-H.: Chính trị quốc gia, 2010.- 1227tr.

Cuốn sách này là tập hợp các bài viết của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và một số nhà khoa học thuộc từng lĩnh vực khác nhau, Được NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2010. Các bài viết này được sắp xếp theo diễn trình lịch sử kết hợp với chủ đề nghiên cứu theo ba phần nội dung gồm: Đảng ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến hành đổi mới và hội nhập; Đảng Cộng sản Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.
Có thể nói, đây là quyển sách quý và thiết thực giúp Đảng ta không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu lên ngang tầm nhiệm vụ. Đây là tài liệu cần thiết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.


VL2010
335

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản VN.- H: Chính trị quốc gia, 2008.-635tr.

Nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu, học tập cho độc giả nhất là cán bộ, đảng viên. NXB Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Tư tưởng HCM về Đảng cộng sản Việt Nam. Nội dung cuốn sách gồn 2 phần: Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản VN và Nghiên cứu tư tưởng HCM về Đảng cộng sản VN.
Cuốn sách giúp bạn đọc hiểu sâu hơn những quan điểm cơ bản của CT.HCM về Đảng cộng sản VN, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới


VL 2009
250

3. TS. Lê Văn Yên. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trên đường sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam.- H.: Thanh niên, 2007.- 158tr.

Trên cơ sở thấm nhuần học thuyết Mác-Lênin về xây dựng Đảng cộng sản, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo và tiến hành xây dựng thành công Đảng cộng sản Vn vào năm 1930. Đảng do Người sáng lập là sản phẩm kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước VN. Những sáng tạo của CT.HCM trong việc sáng lập Đảng ta đã được kiểm chứng và chứng minh là đúng đắn và khoa học. Để góp phần nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng HCM trên đường sánh lập Đảng ta. Xin giới thiệu bạn đọc cuốn sách Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trên đường sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam của NXB Thanh niên.

VV2009
18844

4. Trần Đình Ba. Trắc nghiệm lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.- H.: Quân đội nhân dân, 2011.- 147tr.

Lịch sử Đảng cộng sản VN là một phần lịch sử hào hùng của dân tộc ta thời hiện đại. Rất nhiều tác giả, tác phẩm khai thác đề tài này và môn học Lịch sử Đảng cộng sản VN đã trở nên quen thuộc với sinh viên các trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Để bạn đọc phần nào hiểu thêm về môn Lịch sử Đảng cộng sản VN, cuốn sách Trắc nghiệm lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam của NXB Quân đội nhân dân sẽ là một nguồn tài liệu phục vụ cho công tác tham khảo của giảng viên, học tập của SV có liên quan môn học này.


VV 2012
20326

5. Minh Khánh. Tìm hiểu về Đảng cộng sản Việt Nam: Hỏi đáp.- H.: Thanh niên, 2011.- 195 tr.

Nội dung cuốn sách theo dạng hỏi – đáp về những sự kiện trọng đại qua các giai lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam mà nỗi bật là: Lãnh đạo nhân dân nổi dậy trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, phá sạch xiềng gông, đập tan tù ngục, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; lãnh đạo toàn dân tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc suốt 3 thập kỷ - kể từ 23/9/1945 đến 30/4/1975; đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới chấn hưng dất nước trong 20 năm qua – kể từ Đại hội VI năm 1986.



VV2012
20327

6. Hỏi đáp về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.- H.: Chính trị quốc gia, 2012. – 306 tr.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc một số thông tin và tư liệu cơ bản giúp cho việc quán triệt và nắm vững đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, NXB Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách: Hỏi đáp về tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:

- Phần thứ nhất: Đi sâu phân tích tình hình thế giới hiện nay, đắc biệt về những vấn đề phức tạp, nổi cộm của các nước trên thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại.

- Phần thứ hai: Tập trung trình bày sự đổi mới trong đường lối của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực đối ngoại, làm rõ chính sách và quan hệ đối ngoại của nước ta với các nước và tổ chức quốc tế nhằm giữu vững môi trường hòa bình, và tạo điều kiện phát triển KT-XH đất nước.


VV 2012
189

7. Hồ Chí Minh cứu tinh dân tộc Việt.- H.: Thanh niên, 2008.- 359 tr.

Được biên soạn công phu với dung lượng tương đối nhiều trình bày qua 359 trang, cuốn sách “Hồ Chí Minh cứu tinh dân tộc Việt” của NXB Thanh niên là tài liệu quý, là những bài học quý giá được đúc kết từ những mâu chuyện rất thật về Bác Hồ, giúp cho việc nghiên cứu, học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách  này đến bạn đọc.






VL 2010
357

8. Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức.- H.: Thông tin và Truyền thông, 2010.- 189 tr.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tham gia và hưởng ứng rộng rãi. Việc cùng nhau học lại những giá trị tư tưởng và đạo đức của Người có ý nghĩa vô cùng to lớn, sâu sắc trong việc tự hoàn thiện của mỗi chúng ta.

Cuốn sách Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức không phải là một tập chuyên khảo tư tưởng HCM về văn hóa và con người mà thông qua từng bài viết nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau, với mục đích giới thiệu những tư tưởng cơ bản nhất, sát thực nhất đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay.

Nội dung cuốn sách gồm 2 phần:


-          Phần 1: Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa
-          Phần 2:  Di sản Hồ Chí Minh về đạo đức


VV 2012
20353

9. Hồ Chí Minh và bản di chúc trường tồn lịch sử.- H.: Thanh niên, 2010.- 283 tr.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ cho giai đoạn đã qua, mà còn cho cả những chặn đường sắp tới của cách mạng Việt Nam.
Cuốn sách Hồ Chí Minh và bản di chúc trường tồn lịch sử là tập hợp những bài tham luận xuất sắc nhất tại Hội thảo khoa học: "Di chúc Chủ tịch Hồ chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn" do Trường ĐH KHXH&NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo Tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Cuốn sách này là tư liệu quý giúp mọi người nhận thức sâu sắc về giá trị trường tồn của Bản di chúc đối với Cách mạng Việt Nam.


VV 2012
20284

10. PGS.TS Bùi Đình Phong. Triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam.- H.: Thanh niên, 2010.- 207 tr.

Nghiên cứu quy luật của cách mạng Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là góp phần làm sáng tỏ sự cống hiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác – Lênin,, khẳng định giá trị thời đại trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuốn sách Triết lý Hồ Chí Minh về phát triển Việt Nam góp một tiếng nói lý giải vấn đề này.

Cuốn sách là tập hợp nhiều bài viết ở các thời điểm và để thực hiện các mục đích khác nhau nhưng nội dung tư tưởng xuyên suốt vẫn làm rõ và khẳng định triết lý Hồ Chí Minh về phát triển xã hội Việt Nam là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.


VV 2012
20282

11. Nguyễn Ngọc Phúc. 25 tướng lĩnh Việt Nam.- H.: Thanh niên, 2010.- 491 tr.

Sức mạnh Việt Nam là sức mạnh của truyền thống yêu nước bất khuất chống xâm lăng, sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân mà nóng cốt là Quân đội nhân dân anh hùng dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về đề tài chiến tranh cách mạng, đã và đang được nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trong và ngoài nước phản ánh.

Cuốn sách 25 tướng lĩnh Việt Nam của tác giả Nguyễn Ngọc Phúc cũng là tiếp tục viết về đề tài này. Những bút ký chân dung về các tướng lĩnh QĐND Việt Nam được giới thiệu ngắn gọn, súc tích, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho thanh thiếu niên. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến bạn đọc.


VV 2012
190

12. Cao Minh. Tìm hiểu lịch sử Việt Nam và tuyên ngôn của các vĩ nhân.- H.: Thanh niên, 2010.- 319 tr.

Bất kỳ một giai đoạn lịch sử nào thì việc giáo dục tinh thần yêu nước, lịch sử, truyền thống dân tộc đều rất quan trọng và rất cần thiết. Bởi truyền thống lịch sử dân tộc chính là cái gốc, là nền tảng để chúng ta tiếp thu cái hiện đại mà không xa rời bản sắc, đón nhận cái mới mà không quên đi cái gốc, không xa rời lịch sử và truyền thống cha ông.
Đề góp phần giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ, xin giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách Tìm hiểu lịch sử Việt Nam và tuyên ngôn của các vĩ nhân của tác giả Cao Minh.
Cuốn sách có những phần chính sau:
-          Phần I: Địa dư và lịch sử nước ta
-          Phần II: Những diễn biến và sự kiện quan trọng trong thời đại Hồ Chí Minh
-          Phần III: Tuyên ngôn của các vĩ nhân
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

VV 2012
20328

13. Minh An, Bình An. Những sự kiện lịch sử Việt Nam (Từ 1945-2010): Tháng 1.- H.: Thanh niên, 2010.- 255 tr.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam trong thời kỳ từ năm 1945 đến năm 2010. NXB Thanh niên đã xuất bàn bộ sách " Những sự kiện lịch sử Việt Nam từ 1945-2010" với 12 tập sách, được chia theo 12 tháng.
Nội dung của từng cuốn sách là những mốc sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại, giáo dục, du lịch, thể thao... được trình bày rõ ràng sẽ giúp bạn đọc thuận lợi hơn trong việc tiếp thu một cách có hệ thống những diễn biến của kịch sử VN suốt giai đoạn cách mạng đầy hào hùng và giai đoạn xây dựng, kiến thiết và đổi mới đất nước.


VV 2012
20335

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Một số cảnh đẹp của quê hương Núi Thành





Thư mục giới thiệu sách về quê hương Núi Thành

 1. 30 năm Núi Thành xây dựng và phát triển( 1983- 2013) / Nhiều tác giả.- Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng , 2014.- 252tr.; 24cm.

Nội dung: Tiếp nối truyền thống trung dũng kiên cường trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm với “ Trận đầu thắng Mỹ” đã làm rạng rỡ tên gọi Núi Thành, trong 30 năm qua, lãnh đạo và nhân dân huyện Núi Thành đã chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách sau chiến tranh để xây dựng và phát triển huyện nhà từ một huyện khó khăn thành một huyện công nghiệp. Đặc biệt, từ một khu chu lai bình thường sang một khu kinh tế mở chu lai đã và đang có những bước phát triển bền vững, tạo nên một bước đột phá có sức làm thay đổi hoàn toàn diện mạo bức tranh kinh tế xã hội của huyện… Mọi mặt đời sống của huyện nhà sau 30 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, cuộc sống nhân được nâng cao rõ rệt
           “Núi Thành 30 năm xây dựng và phát triển” phản ánh được những bước phát triển lớn lao, mọi mặt thành tựu trên các lĩnh vực của huyện nhà sau 30 năm nỗ lực phấn đấu xây dựng, nói lên được những tâm tư tình cảm của mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân đang sống trên quê hương cũng như những tấm lòng người xa quê cùng nhau hướng về quê hương trong dịp kỷ niệm trọng đại này./.

2. Ký sự lửa Núi Thành / Ban Thường Vụ Huyện Uỷ Núi Thành.- Núi Thành: Nxb Núi Thành, 2011.- 280tr.; 21cm.

Nội dung: Tập sách “ Ký sự lửa Núi Thành” ký sự về một giai đoạn lịch sử về Núi Thành. Mỗi người là một chiến sĩ, mỗi người có một ký ức riêng, mà ký ức là một phần của lịch sử, biết ghi, chịu khó ghi, có thể dày trăm trang, ngàn trang, thành những trang sử vô cùng phong phú, là những tư liệu vô cùng quý hiếm cho các nhà văn viết về đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng , góp phần vào pho sử vàng vô giá của quê hương thân yêu chúng ta. Đó chính là lý do mà  Thường vụ Huyện ủy Núi Thành cho ra đời tập sách này với mục đích làm phong phú lịch sử Đảng bộ, tiếp tục không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống yêu quê, thông qua hình thức sử ký, sử thi, tạo nên những tác phẩm – món ăn cho tinh thần hiện tại và tương lai, làm thấm dần, thấm sâu hơn từ lịch sử Đảng bộ. Đồng thời , qua đó, giúp các thế hệ tiếp theo hiểu hơn, yêu hơn và tự hào về cha anh về những gì gian khổ ngày hôm qua.
3. Núi Thành Di tích và Danh thắng / Phòng Văn hóa thông tin huyện Núi Thành .- Núi Thành : Nxb Núi Thành, 2010.- 160tr.; 19 cm.
Nội dung: Núi thành không chỉ vang danh bởi chiến thắng lẫy lừng năm xưa, để Quảng Nam rạng rỡ đi vào lịch sử với 8 chữ vàng “ Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”; mà vùng đất này còn có bề dày lịch sử- văn hóa trên 6000 năm, trải dài từ đoạn sơ kỳ đá mới với di tích Bàu Dũ đến văn hóa Sa Huỳnh với những di tích bàu trám, Phú Hòa, Tam Mỹ,…; cùng những thắng cảnh làm say đắm lòng người như Hố Giang Thơm, Bàn Than, Biển Rạng, Kỳ Hà… sẽ ghi vào ký ức của khách viễn phương những ấn tượng khó phai
Tập sách Núi Thành- Di tích và danh thắng gh chép lại những sự kiện lịch sử, những truyền thống văn hóa quý báu của vùng đất Quảng Nam, đồng thời, là cầu nối cho dòng chảy lịch sử xưa và nay trong chặng đường đi lên của quê hương Núi Thành trong công cuộc xây dựng đất nước thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa.
4. Núi Thành ngày ấy và bây giờ/ Nhiều tác giả.- Đà Nẵng : Nxb Đà Nẵng, 2003.- 192tr.; 24cm.
Nội dung: Cuốn sách Núi Thành ngày ấy và bây giờ phản ánh chân thực mảnh đất- con người giàu truyền thống, những nổ lực phấn đấu với các thành tựu cơ bản Núi Thành đã đạt được trong 20 năm qua và những định hướng phát triển trong tương lai của quê hương Núi Thành.
5. Núi Thành những giọt phù sa / Nhiều tác giả.- Núi Thành: Nxb Núi Thành, 2012.- 144tr.; 19 cm.
Nội dung: Đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ quốc vĩ đại, từng đem tuổi thanh xuân hiến dâng cho độc lập, tự do của Tổ Quốc; dù là người lính ngày đêm cầm súng sẵn sàng chiến đấu hay là công nhân trên mặt trận kinh tế nơi hậu phương thì hôm nay tất cả cũng đã bước vào lớp thế hệ cổ lai hy, là cây cao bóng cả với con cháu đề huề. Dẫu không còn sức lực để cùng cháu con chăm lo cuộc sống nhưng trí lực cúng như trải nghiệm cuộc đời luôn là liều thuốc quý, là tấm gương sáng rọi để con cháu noi theo. Dẫu tuổi tác đã ngả bóng về chều nhưng trong tâm hồn vẫn phơi phới niềm lạc quan tươi mới các cụ đã trải lòng mình vào “ Núi Thành những giọt phù sa”
Những vần thơ còn vụng về  ngôn từ, chưa được trau chuốt nhiều về ngữ nghĩa nhưng lại là cái rung động rất thật về cuộc sống, cái tha thiết của con tim để nói về một thời máu lửa đã qua; để nói về tình yêu quê hương, đất nướcđối với Đảng, Bác Hồ kính yêu, với đồng chí, đồng đội và cũng để nói lên những đổi thay kỳ diệu của quê hương sau gần 40 năm giải phóng.
6. Núi Thành những người con kiên trung .- Núi Thành : Nxb Núi Thành , 2013.- 288tr.; 21cm.
Nội dung: Tập sách “ Núi Thành những người con kiên trung” viết về 24 tấm gương những người con kiên trung của mảnh đất Núi Thành anh hùng được rút ra trong tập sách “ Quảng Nam- Những tấm gương cộng sản”. “Núi Thành những người con kiên trung” là những gương cộng sản có quá trình hoạt động, cống hiến và đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng ở Núi Thành nói riêng và cả nước nói chung; là những người tận trung với nước, tận hiếu với dân, trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của quê hương, được nhân dân tin yêu, mến phục.

7. Kỷ yếu Hội thảo "Giải phóng Tứ Mỹ - ý nghĩa và bài học lịch sử" / Nhiều tác giả.- Quảng Nam: Công ty cổ phần in – Phát hành sách và Thiết bị trưởng học Quảng Nam, 2013.- 199tr.; 21cm.
Nội dung: Đây là công trình tập hợp các bài viết, hồi ký của các nhân chứng nguyên là lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ từng tham gia giải phóng các thôn Tứ Mỹ (Kỳ Sanh), Xuân Bình, Phú Thọ (Kỳ Yên).Qua đó, xác định, làm rõ vai trò lãnh đạo của Khu uỷ, Bộ tư lệnh Quân khu V, Tỉnh uỷ Quảng Nam, Đảng uỷ 32 A, ý nghĩa và tác động của chiến dịch đối với phong trào nỗi dậy làm chủ nông thôn, đồng bằng tỉnh Quảng Nam nói riêng, Khu 5 nói chung trong những năm 1961-1965; đồng thời tôn vinh những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Làm rõ ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm trong quá trình giải phóng thôn Tứ Mỹ, xã Kỳ Sanh.
8. Lê Minh Quốc. Người Quảng Nam.- Tái bản lần thứ 2, có sửa chữa bổ sung.- Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng, 2009.- 387tr.; 24cm.

Nội dung: Viết về vùng đất Quảng Nam với những vấn đế thú vị, tác giả đã chứng minh được những đóng góp của Người Quảng nói chung trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt. Dễ đọc, đễ theo dõi. Có lúc văn phong bay bướm, dễ cảm thông nhưng lại có lúc "nghiêm nghị" quá. Qua đó, sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng, tự tôn với cái tâm linh thuần tuý...

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Trung Nghĩa. Nói là gieo, nghe là gặt.- Nxb: Văn hoá - Thông tin, 2011.- 145tr.


Trong giao tiếp, việc ứng xử thông minh, tế nhị, có hiệu quả là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên trong cuộc sống, trong giao tiếp hàng ngày chúng luôn phải ứng phó với nhiều tình huống khác nhau đòi hỏi cần có sự lưu tâm, rèn luyện những kỹ năng giao tiếp. Như một câu ngạn ngữ đã nói: “Nghe nhiều, hỏi nhiều, nói ít, nói lịch sự - khiêm nhường – êm dịu – hợp lẽ. Đó là xương sống của thuật giao tiếp thân thiện”. Cho thấy nghệ thuật giao tiếp trước tiên là dựa trên lòng chân thành thiện cảm.
Quyển sách “Nói là gieo, nghe là gặt” do Trung Nghĩa biên soạn, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2011 đem đến cho người đọc những kiến thức hữu ích trong giao tiếp. Sách dày 145 trang, nội dung gồm 7 phần:

Phần một trình bày khái niệm về giao tiếp, sự cần thiết của các yếu tố chân thành, hướng thiện và khéo léo trong nghệ thuật giao tiếp đi đến thành công.
Phần hai phân tích, đề cập chi tiết về mối quan hệ giao tiếp trong gia đình, cách ứng xử giao tiếp trong họ tộc nội – ngoại. Dựa trên truyền thống đạo lý của người Việt, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa ông bà cha mẹ và con cháu, giữa anh chị em với nhau phải có sự hài hòa, thuận thảo. Còn đối với họ hàng thân tộc cũng như thông gia cần thiết phải giữ mối liên hệ thể hiện sự quan tâm chân thành và cách cư xử giao tiếp sao cho phù hợp với mối quan hệ.
Phần ba viết về giao tiếp giữa thầy và trò chủ ý nhắc nhớ mỗi chúng ta không thể quên công ơn thầy cô giáo, những người ngày đêm tận tụy truyền dạy kiến thức giúp chúng ta thành người. Vì thế đã từng hay đang là những học sinh sinh viên của các thầy cô giáo, chúng ta hãy lưu tâm ứng xử sao cho phải đạo.
Phần bốn với tiêu đề “Giao tiếp với bằng hữu và cộng đồng” đem đến cho người đọc những điều cốt lõi trong mối quan hệ giao tiếp ứng xử với mọi người ngoài xã hội. Đó là giao tiếp với bạn bè, với hàng xóm láng giềng, với đối tác, với đồng nghiệp trong công sở và đối với những người không quen biết nơi công cộng. Tùy theo mối quan hệ và ứng với những hoàn cảnh khác nhau, quyển sách phân tích và hướng dẫn người đọc những kỹ năng cơ bản cần thể hiện để giao tiếp đạt hiệu quả.
Trong phần năm, sách tập trung đề cập đến điều nên tránh trong giao tiếp đó là “Không biết lắng nghe”. Điều này thể hiện qua các biểu hiện xấu như độc đoán, thờ ơ, hẹp hòi thậm chí mang bệnh nói nhiều. Vì thế trong giao tiếp cần thiết phải biết lắng nghe người khác nói. Nghe không những giúp chúng ta thu thập được các tín hiệu tin tức mà còn giúp ta biết được cả thái độ và phương cách xử lý các thông tin ấy của đối tượng.
Phần sáu trình bày những điểm chính cần ghi nhớ “để giao tiếp đạt như ý”. Trước hết là tìm hiểu về người mà ta sẽ tiếp xúc: Họ thuộc giới người nào? Khả năng trình độ ra sao?... Kế tiếp là tạo thiện cảm qua thái độ chân thành, khiêm tốn, trang phục lịch sự, gương mặt tươi tắn, cởi mở...
Trong phần cuối sách cũng đề cập đến thế mạnh của chị em phụ nữ trong giao tiếp với những thiên tính như diệu dàng, ôn hòa, tế nhị... cần phát huy.

Đọc quyển sách “Nói là gieo, nghe là gặt” chắc chắn bạn đọc sẽ lĩnh hội được những kiến thức thiết thực để tự tin và giao tiếp hiệu quả hơn. Sách được Thư viện Núi Thành phục vụ bạn đọc. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh : Lời nói đi đôi với việc làm


          Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời của Bác Hồ đã chiến đấu cho độc lập dân tộc, cho con người trước hết là những người bị áp bức đau khổ. Tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh và tình yêu bao la của Người vẫn còn mãi với đất nước, với non sông, với cuộc sống không ngừng tiếp nối.  Di sản tinh thần vô giá Bác để lại cho dân tộc ta đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng để lớp lớp các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đó là học tập và làm theo lòng yêu nước, thương dân và nền tảng tư tưởng:“Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị;về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”  của Bác.


            Một trong những điều mà tôi tâm đắc nhất ở Bác là nguyên tắc xây dựng đạo đức mới: Lời nói phải đi đôi với việc làm !


            Lời nói đi đôi với việc làm, đây là một trong những đạo lý làm người, mà Bác Hồ là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo.
            Bác Hồ nhắc nhở: “Nói cái gì phải cho tin, nói và làm cho nhất trí, làm thế nào cho dân tin”. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. Ở Bác Hồ, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều, có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm. Phải đi sâu vào hành vi đạo đức của Người, chúng ta mới khám phá ra được những tầng bản chất sâu xa, cao đẹp của việc thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Bác Hồ.
            Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ là ở chỗ, dù việc lớn hay nhỏ, đối với Người bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm. Bác nêu cho cán bộ đảng viên một luận điểm quan trọng: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”… . “Nếu chính mình tham ô, bảo người ta liêm khiết có được không? Không được !. Mình trước hết phải siêng năng,  trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”… Vậy là, Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng nói và làm là tự bản thân mỗi người; bản thân người được nói để người khác nghe theo thì phải là con người lòng dạ trong sáng, phải chính tâm, phải thật sự là tấm gương.
            Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói, thì Người thực hiện: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo”. Những năm Bác sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, khi kinh tế khó khăn, đời sống của nhân dân còn nghèo khó, mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm thì độn cho Bác từng ấy giống như cán bộ, nhân dân. Khi ăn cơm, không bao giờ Bác để rơi một hạt cơm, Bác bảo một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Đúng như đồng chí Phạm Văn Đồng đã nói: Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ quý và tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ mà đức lớn hài hoà ở một con người !.
            Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính, phải thật sự là người đầy tớ của nhân dân, và chính Bác làm gương trước sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn để làm đúng điều Người dạy: “Cán bộ Đảng, chính quyền ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Bởi thế, việc Người làm là khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền Pháp thời đó; đi dép lốp, mặc áo vá vai, dùng loại ô tô xoàng nhất, cũ nhất. Mùa hè nóng bức, Bác dùng chiếc quạt lá cọ, Bác bảo: Bác làm như thế để dành điện phục vụ cho sản xuất, dành điện phục vụ sinh hoạt cho nhân dân... Ở Người, nói và làm là như thế !
            Người dạy mọi người chống chủ nghĩa cá nhân, thì Người đã nêu gương chống sùng bái cá nhân. Trong suốt thời kỳ đi tìm đường cứu nguy cho dân tộc, đến cả thời kỳ đứng đầu Nhà nước, và cho đến lúc ra đi “gặp Cụ Các Mác, Cụ Lê-nin”, cũng như những con người thật sự vĩ đại khác, Bác Hồ không bao giờ nghĩ mình là bậc vĩ nhân, không bao giờ đặt cái tôi cao hơn dân tộc và sự nghiệp của dân tộc, cho dù Bác là con người tiêu biểu nhất của dân tộc. Người chỉ ôm ấp một ước nguyện “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và cả cuộc đời Người đã phấn đấu cho ước nguyện đó, cho mục tiêu cao cả đó.
            Bác Hồ dạy chúng ta: “Đem lòng chí công mà đối với người, với việc”, “Làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước”, “Không ham người tâng bốc mình”, thì Người nêu tấm gương sáng sống chân thành khiêm tốn, sống cho dân, vì dân, sống cho đời chứ không sống cho mình. Vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình, Người thường tìm cách vắng nhà để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà. Khi đi vào cõi trường sinh, Người dặn không tổ chức phúng điếu linh đình để tiết kiệm thời giờ, tiền bạc của nhân dân...
            Bác khuyên mọi người sống trong sạch, không tham tiền tài danh vọng, không cậy quyền thế mà tham ô, tham nhũng, thì Bác đã làm những việc quang minh chính đại, để cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền học tập, noi theo. Lần Bác tới thăm một xí nghiệp May, xí nghiệp có gửi biếu Bác bộ quần áo ka ki, Bác nhận và sau đó Bác gửi thư và quà cảm ơn: “Bác cảm ơn các cô, các chú biếu Bác bộ quần áo, Bác đã nhận rồi, nay Bác xin gửi lại để làm phần thưởng thi đua”; ...
Nói đi đôi với làm mà Bác Hồ dạy chúng ta, và những việc Bác làm để làm “mực thước” cho mỗi chúng ta, đó chính là lẽ sống “Thật” và “Thật sự”. Vì “Thật” đối lập với giả, với dối. “Thật sự” đối lập với qua loa, nửa vời. Đó là thứ thuốc: “Thuốc hay đắng miệng chữa được bệnh; lời thẳng trái tai lợi cho việc làm” - làm thứ vũ khí hữu hiệu để chống lại những kẻ gian giảo, xảo quyệt, nói không đúng với làm, nói một đằng làm một nẻo, dùng lời nói để giấu diếm tội lỗi, làm trắng đen lẫn lộn, chính tà bất nhất. Như Bác đã chỉ cho chúng ta rõ: “Có những kẻ miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”.
Sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội, băng hoại truyền thống nhân văn của dân tộc, đang là thách thức lớn nhất của công cuộc đổi mới đất nước, là nguy cơ đe doạ sự sống còn của chế độ ta, đang làm mất thanh danh uy tín của Đảng, Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ. Đảng ta phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”đã đáp ứng đúng ý Đảng, lòng dân và thực chất đây đúng là phong trào của đạo lý làm người, trong đó có nguyên tắc “Nói đi đôi với làm” - một nguyên tắc mà Bác Hồ đặc biệt chú ý nêu gương để cán bô, đảng viên noi theo, tu dưỡng. Bác đã nói: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hoá. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất cả các đồng chí phải thành công”.



Thực hiện theo lời Bác dạy và việc Bác đã làm, lúc này cần lắm ở mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt những người lãnh đạo hãy làm những việc gương mẫu dù là nhỏ còn gấp ngàn lần những lời nói suông.

Người dân Núi Thành được sử dụng máy tính và truy cập Internet miễn phí


Hưởng lợi từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” được Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện.
Thư viện Núi Thành đã tham mưu UBND huyện hổ trợ kinh phí sửa chửa, sắm mới các trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận Dự án. Đến nay, Điểm truy cập Internet công cộng tại Thư viện huyện Núi Thành đã được lắp đặt 10 bộ máy vi tính, 1 máy in và các trang thiết bị, phụ kiện kèm theo. Tất cả các máy tính được trang bị đều được kết nối Internet và phục vụ miễn phí cho người dân.  Hệ thống được bàn giao cho Thư viện huyện Núi Thành quản lý và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 28/10/2014.
Đây là một dự án có ý nghĩa hết sức đặc biệt với người dân. Thông qua việc sử dụng máy tính và truy cập Internet, nhân dân trên địa bàn huyện sẽ có nhiều thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước và thế giới, được nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ khi được khai thác kho tàng kiến thức trên Internet.
Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”  tại huyện Núi Thành được triển khai ở 8 điểm gồm: Thư viện huyện, 2 điểm tại UBND xã (Tam Hoà,Tam Quang) và 5 điểm bưu điện văn hóa xã ( Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Nghĩa, Tam Hải, Tam Tiến) ở mỗi điểm cấp xã được lắp đặt 5 bộ máy vi tính và 1 máy in.

                                                                             Huỳnh Thị Thanh Thảo


                                                                           Thư viện huyện Núi Thành

Núi Thành đạt giải Nhì Hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách “Âm vang Điện Biên” tỉnh Quảng Nam.





Theo tin từ Hội thi cán bộ Thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách chủ đề “Âm vang Điện Biên” tỉnh Quảng Nam, cô Huỳnh Thị Thanh Thảo, cán bộ Thư viện huyện trực thuộc Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Núi Thành đã đạt giải Nhì.
Ảnh : Cô Thanh Thảo (người đứng bên phải) nhận giải tại Hội thi
Hội thi cán bộ Thư viện tuyên truyền, giới thiệu sách chủ đề “Âm vang Điện Biên” tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trong hai ngày 24 và 25 tháng 4 năm 2014 tại Thư viện tỉnh Quảng Nam. Hội thi nhằm mục đích tạo điều kiện để các cán bộ Thư viện ôn luyện chuyên môn, nghiệp vụ; có dịp phát huy khả năng thuyết trình, tuyên truyền giới thiệu sách góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Có 15 đơn vị huyện, thành phố trong toàn tỉnh tham gia. Người dự thi phải là cán bộ thư viện cấp huyện. Thí sinh sẽ viết lời giới thiệu, thuyết trình trong vòng 10 phút về một cuốn sách có nội dung viết về chiến thắng Điện Biên Phủ, về những nhân vật nổi tiếng có liên quan đến chiến thắng này, về mảnh đất và con người Điện Biên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Cô Huỳnh Thị Thanh Thảo đã chọn giới thiệu quyển sách “Không phải huyền thoại” của nhà văn Hữu Mai viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân vật kiệt xuất đã làm nên chiến thắng Điên Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu nhưng cũng rất đời thường với những suy nghĩ và hành động bình dị, chân chất trong cuộc sống. Với chất giọng mượt mà, truyền cảm trong giới thiệu sách, với phần trả lời khá sâu sắc cảm nhận về quyển sách, cô Huỳnh Thị Thanh Thảo đã thuyết phục được khán giả và Ban Giám khảo đã chọn trao giải Nhì của Hội thi. Đây cũng là thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014).
Trích nguồn: nuithanh.gov.vn


Võ Nguyên Giáp - "Không phải huyền thoại" mà là trí tuệ có thật của một con người.



Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là trận đánh lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

Ảnh bìa cuốn sách “Không phải huyền thoại”
Trong những ngày này, cả nước đang tích cực triển khai nhiều hoạt động chào mừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2014), là cán bộ phụ trách công tác Thư viện huyện, tôi muốn mình cũng phải có một việc làm gì đó cụ thể để tích cực hưởng ứng sự kiện đặc biệt quan trong này. Bắt đầu với việc vào kho sách tìm những cuốn sách hay về chủ đề Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để viết thư mục chuyên đề giới thiệu sách. Có rất nhiều cuốn sách hay, nhiều tư liệu phong phú về chủ đề này, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng cuốn sách "Không phải huyền thoại" của Hữu Mai - Nhà văn quân đội với hơn 60 đầu sách đã được in, Ông cũng là người thể hiện rất thành công 5 cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: “Từ nhân dân mà ra” (1966), “Những năm tháng không thể nào quên” (1970), “Chiến đấu trong vòng vây”(1995), “Đường tới Điện Biên Phủ “(1999), “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” (2000). Tuy nhiên, phải đến tác phẩm “Không phải huyền thoại”, chân dung của Đại tướng mới hiện lên như một nhân vật văn học trọn vẹn.
"Không phải huyền thoại" – cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm đã ra đời với tâm nguyện của nhà văn Hữu Mai: “Tôi không mong đưa ra những phát hiện mới về lịch sử chiến tranh Việt Nam hiện đại mà chỉ mong làm rõ thêm, bổ sung thêm, cụ thể hóa thêm thực tế cuộc chiến, may chăng có thể mang lại điều gì đó bổ ích đối với những vấn đề bạn đọc quan tâm”.
Đã có hàng núi tư liệu, sách, phim ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ai cũng biết điều đó và sẽ hỏi “Không phải huyền thoại” ra đời thế nào, có gì mới mẻ?... Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra hai vấn đề mà cho đến bây giờ người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu: Tại sao Quân đội Việt Nam và quân đội Pháp lại đưa nhau lên tận Tây Bắc để mở trận quyết chiến lịch sử? và “Tại sao người Việt đều giành chiến thắng trong lúc kẻ thù mạnh nhất?”. Từ đó, người đọc có thể tìm hiểu thêm về thiên tài quân sự của Đại tướng cùng với nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà Đại tướng vận dụng rất sáng tạo trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Toàn bộ nội dung cuốn sách trải dài trong 31 chương với những tên gọi rất ấn tượng như: Một phát thảo chân dung, Cứ đi rồi sẽ thành đường, Trùng độc chiến, Kéo pháo vào, Kéo pháo ra, Nhức nhối A1, Phép thử Him Lam... Có thể nói, đến với "Không phải huyền thoại" người đọc có thể tìm thấy những tư liệu đầy đủ nhất, mới nhất về so sánh binh lực hai bên, về tình hình cuộc chiến, về những gánh nặng và sức ép mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải mang trên vai khi nhận trọng trách làm Tổng tư lệnh.
Điều đặc sắc của cuốn sách là tác giả Hữu Mai đã đưa những huyền thoại như Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ lại gần với cuộc đời. Lời trích xã luận của một tờ báo tại ngay đầu cuốn sách cũng một lần nữa cho thấy sự cần thiết khắc họa chân dung một “nhân tướng” qua thể loại tiểu thuyết văn học: “Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sĩ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có lẽ ngay cả những nhà sử học cũng cần rất nhiều luận chứng để tránh miêu tả ông như một nhân vật truyền thuyết, để kể lại trung thành những giá trị của ông…”
"Bình dị, bản lĩnh, sâu sắc" có thể chưa phải thật đầy đủ, nhưng đó là những cảm nhận tiêu biểu người đọc sẽ thấy qua hình tượng anh Văn (bí danh của Đại tướng) dưới ngòi bút Hữu Mai. Với sự mềm mại của văn học, sự chắt lọc của tình tiết, Hữu Mai đã dẫn dắt người đọc đi từ những ngày đầu Võ Nguyên Giáp được Bác trao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập những hội cứu quốc ở Cao Bằng cho đến cao trào chiến dịch Điện Biên Phủ và những tháng năm Đại tướng trở lại chiến trường xưa.
Cảm giác về sự chân thật rất rõ nét, như một cuốn phim trước mắt. Chân thật mà hấp dẫn. "Không phải huyền thoại" là vì Tướng Giáp là con người bằng xương bằng thịt: “Anh cán bộ có nước da mỏng như da con gái, đôi chân trần chưa có một vết chai, lội suối sâu giá buốt, trèo núi đá tai mèo nhọn sắc… Anh học tiếng Tày, tiếng Mán, tiếng Mông, dịch “Việt Minh ngũ tự kinh” thành tiếng địa phương để đồng bào vừa cán bông, giã gạo vừa hát. Những nơi anh tới, phong trào phát triển rất nhanh”. Và "Không phải huyền thoại" cũng là vì điều làm nên chiến công độc đáo bậc nhất trong lịch sử dân tộc là trí tuệ có thật của một con người.
Cuối cùng thì câu hỏi vì sao Việt Nam thắng trận Điện Biên Phủ đã có câu trả lời, nhưng điều khiến cho “Không phải huyền thoại” vượt ra khỏi khuôn khổ biên niên sử bình thường ở chỗ, cuốn sách đã lột tả được khía cạnh khắc nghiệt của chiến tranh. Khốc liệt ở chiến hào, quyết liệt ở trên những căn hầm sở chỉ huy, và không khoan nhượng ở bàn nghị sự quốc tế. "Không phải huyền thoại" không có nghĩa là bác bỏ những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới tôn vinh, mà nó có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện được giá trị nhân văn của một nhân vật huyền thoại, một con người rất thật, rất bình dị như bao con người khác nhưng đã làm nên những chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, đưa Tổ quốc ta lên đỉnh vinh quang chói lọi. “Không phải huyền thoại” - cuốn sách công phu và chân thực khiến người đọc tưởng như cảm thấy hơi thở của một lịch sử rất gần đây, những hình tượng sống động đã khắc họa rất chân thực một nhân vật kiệt xuất của thời đại Hồ Chí Minh - thời đại đã làm nên những chiến công oanh liệt của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tôi say sưa đọc cuốn sách này, trong lòng trổi dậy bao nhiêu cảm xúc, tôi cảm thấy tự hào về những gì cha ông ta đã làm nên trong Chiến dịch Điện Biên năm xưa, thấy kính yêu vô cùng hai vị tiền bối: "Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp", và cả sự biết ơn to lớn đến những người đã bỏ mồ hôi xương máu làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

  Thanh Thảo 
Trích nguồn: nuithanh.gov.vn

Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách "Âm vang Điện Biên" huyện Núi Thành năm 2014



                                     Các cá nhân được khen thưởng tại hội thi. Ảnh: Nguyễn Đường

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4). Ngày Sách và bản quyền thế giới (23/4) và hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5),  ngày 22/4, Thư viện huyện Núi Thành tổ chức hội thi tuyên truyền giới thiệu sách “Âm vang Điện Biên” năm 2014.
Về dự Hội thi có 25 thí sinh đến từ các xã, thị trấn trong huyện, mỗi đội có 2 thí sinh, gồm 1 thí sinh nhóm tuổi dưới 16 và 1 thí sinh trên 16 tuổi.
Mỗi thí sinh dự thi tự trình bày về cuốn sách mà mình muốn giới thiệu có chủ đề về Điện Biên Phủ và trả lời 1câu hỏi của Ban Giám khảo về cảm thụ của thí sinh đối với cuốn sách mình đã giới thiệu.
Tại hội thi, nhiều thí sinh đã đầu tư khá công phu cho bài tuyên truyền giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; về chiến thắng Điện Biên Phủ ….với bố cục, kết cấu chặt chẽ, chất giọng thuyết trình rõ ràng, truyền cảm gây xúc động lòng người cùng với phần phụ hoạ bằng hoạt cảnh, hình ảnh, video- clip càng làm cho bài tuyên truyền thêm phong phú, lôi cuốn người nghe.
Qua 1 ngày tranh tài sôi nổi, Ban tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích toàn đoàn và cá nhân cho mỗi nhóm tuổi.

Hội thi là sân chơi bổ ích giúp bạn đọc trong huyện có dịp phát huy năng khiếu thuyết trình, tuyên truyền giới thiệu sách góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân.
Trích nguồn: nuithanh.gov.vn

Thư viện huyện Núi Thành- 30 năm nhìn lại!





Thư viện huyện Núi Thành được thành lập năm 1985 theo Quyết định số/166-QĐ-UB ngày 20 tháng 3 năm 1985 của UBND huyện Núi Thành.
Với chức năng tiếp nhận, quản lý các loại sách, báo, văn học nghệ thuật... phục vụ yêu cầu bạn đọc, nhân dân địa phương, 28 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Thư viện đã góp phần cùng với sự phát triển chung của huyện nhà, từng bước đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân trong huyện.
Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo địa phương, thư viện luôn bố trí được nguồn kinh phí ổn định để bổ sung sách mới (20 triệu/ năm cho việc bổ sung sách mới, 25 triệu/ năm để bổ sung báo – tạp chí). Số lượng tài liệu trong thư viện nhờ vậy được tăng lên đáng kể. Đến nay kho sách thư viện hơn 10.000 bản; báo- tạp chí phong phú, hằng quý bổ sung 30 đầu báo- tạp chí các loại.
Công tác phục vụ bạn đọc tại chỗ ở Thư viện ngày càng được nâng cao về chất lượng, đi vào chiều sâu và phục vụ có hiệu quả. Số lượng bạn đọc đến với thư viện ngày càng tăng. Hằng năm, thư viện phục vụ 12.000 lượt bạn đọc tại chỗ.
Thư viện huyện thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch và tích cực thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai áp dụng thống nhất các chuẩn nghiệp vụ, phối hợp tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền sách – báo, biên soạn thư mục chuyên đề và giới thiệu sách nhân các ngày lễ lớn của đất nước và các sự kiện chính trị của địa phương... Vì vậy, hiệu quả hoạt động thư viện ngày càng được nâng cao, mang ý nghĩa xã hội trong việc xây dựng và phát triển phong trào văn hóa đọc, góp phần vào việc phát triển sự nghiệp văn hóa của huyện.
Trong thời gian đến, thư viện huyện sẽ phấn đấu từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng phù hợp với nhu cầu, tâm lý và tập quán sử dụng tài liệu của nhân dân địa phương, tích cực luân chuyển sách thích hợp đến các địa phương để mọi người dân đều có thể tiếp cận với tài liệu thư viện. Đặc biệt là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, xử lý nghiệp vụ nhằm giúp cán bộ thư viện và bạn đọc tìm tin, xử lý tài liệu... hiệu quả hơn.
Gần 30 năm đi vào hoạt động, Thư viện huyện Núi Thành đã thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong việc giữ gìn và truyền bá tri thức, lịch sử, văn hóa của địa phương và dân tộc, cung cấp nguồn thông tin chính xác và có chất lượng giúp cho việc học tập, giải trí và phát triển của mọi tầng lớp nhân dân ở địa phương, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tương lai.

Thanh Thảo
Trích nguồn: nuithanh.gov.vn